Chuyện dài bất tận kể về chuyến phưu lưu của chú bé Bastian trong thế giới tưởng tượng. Bắt đầu từ một ngày mưa ròng rã chốn học, bắt đầu từ cửa hiệu sách cũ ma quái, từ cuốn sách bìa màu đồng lấp lánh rồi tới nhà kho và những chữ cái đầu tiên, nhân vật của chúng ta thực sự bước vào một hành trình chưa từng có. Cuốn sách Bastian đọc có tên Chuyện dài bất tận kể về vương quốc tưởng tượng đang trên bờ diệt vong và cần một vị cứu tinh từ thế giới loài người để đặt tên cho Nữ-thiếu-hoàng. Vị cứu tinh ấy, không ai khác, chính là Bastian. Từ một độc giả, Bastian hoá thân thành nhân vật chính trong cuốn sách bìa đồng, từ cậu nhóc mập ú nhút nhát Bastian trở thành người hùng của vương quốc tưởng tượng. Và con đường Bastian đã phải trải qua để hoàn thành xứ mệnh là phần hấp dẫn nhất của câu chuyện, quyền lực, vinh quang đến tột đỉnh, lầm lạc, mù quáng đến không ngờ, gắng sức khai mở để rồi lại thẳng tay tàn phá, tình bạn tri kỷ và những mưu ma trước quỷ, thả sức phung phí ước mơ, chối bỏ quá khứ để rồi phải đánh đổi tất cả để tìm lại...Tất cả đã đem lại sức lôi cuốn kỳ diệu và chiều triết lý cho tác phẩm. Một câu chuyện dài bất tận với sức hút bất tận không chỉ dành cho bạn đọc nhỏ tuổi.
Điểm khác biệt nổi bật của Chuyện dài bất tận với những cuốn sách thiếu nhi khác đó là cách kết cấu khá đặc biệt: kết cấu truyện lồng trong truyện, câu chuyện về vương quốc tưởng tượng được kể trong câu chuyện của Bastian. Chuyện dài bất tận được ngợi ca như một bản anh hùng ca kỳ ảo, một ngày hội của trí tưởng tượng mà bất cứ ai bước vào đều cảm thấy náo nức, một niềm say mê bất tận cho những người từ 12 đến 92, thế nhưng bên cạnh đó, tác phẩm còn là một câu chuyện ngụ ngôn sâu sắc và thực sự đau đớn về tính hai mặt của trí tưởng tượng cũng như mối quan hệ giữa con người với thế giới tưởng tượng nói chung.***
Nhận định
Micheal Ende đã tìm ra nơi trú ngụ đích thực của những nhân vật tưởng tượng, hay nói đúng hơn, ông đã tặng cho những nhân vật sinh ra từ từ tưởng tượng một mái nhà, một vương quốc kỳ ảo không biên giới. Con người sinh ra trí tưởng tượng, chúng ta sống được và phát triển nhờ nó, đồng thời cũng tàn tạ diệt vong vì nó. Điều này được minh chứng qua hành trình của Bastian và những lời độc địa của chó sói Gmork. Bằng trí tưởng tượng, Bastian đã góp phần xây dựng lại vương quốc tưởng tượng với Rừng- đêm Perelin, Sa mạc muôn màu Goab, thành phố bạc Amarganth..., thế nhưng cũng chính trí tưởng tượng ấy khi gắn liền với những ảo tưởng về quyền lực tuyệt đối, về sự vĩ đại của một ân nhân đã đẩy vương quốc tưởng tượng vào cảnh chiến tranh máu lửa, đã biến những người Acharai tài hoa cần cù thành những tên hề lố lăng vô hướng. Bản chất của trí tưởng tượng là diệu kỳ và tốt đẹp, thế nhưng tham vọng và sự hão huyền đã biến nó thành dối trá. Hình tượng Hư Không trong tác phẩm là hiện thân cho sự hão huyền ấy. Hão huyền luôn song hành cùng tưởng tưởng, là mặt trái của tưởng tượng như Hư Không lẩn khuất trong vương quốc của Nữ-thiếu-hoàng. Nếu con người biết dừng lại ở trí tưởng tượng, chúng ta sẽ có nghệ thuật, có cuộc sống đầy màu sắc, nhưng nếu vượt qua giới hạn để đắm mình trong những ảo vọng hão huyền thì điều còn lại chỉ là lầm lạc và dối trá Micheal Ende có lẽ là nhà văn đầu tiên thức tỉnh người đọc về lối ứng xử với trí tưởng tượng, về sức mạnh cũng như khả năng huỷ diệt của trí tưởng tượng trong cuộc sống của chúng ta.- Nhã Nam
"Chuyện dài bất tận ở Đức cũng giống như Tây du ký ở Trung Quốc..."- Giang Tây nhật báo
"Chuyện dài bất tận của Micheal Ende là một anh hùng ca kỳ ảo với tất cả những yếu tố kinh điển của thể loại: những kỳ nhân quái thú, những cảnh sơn lâm xa ngái, những cái tên hoang dã, những bùa hội mạng cũng là báu kiếm...Cuốn sách lại còn được in hẳn chữ xanh chữ đỏ...Tất cả khiến cho ta cảm thấy sung sướng như đi vào một ngày hội của trí tưởng tượng...Một tác phẩm kỳ tài kết hợp cùng lúc cả Tolkien lẫn Peter Pan "- The New York Times
"Một cú nhảy đột ngột vào huyền diệu..."- Washington Post
"Đây là môt kiệt tác...Tôi bị lôi cuốn vào và không thể nào bỏ sách xuống được...Một sự sáng tạo tuyệt diệu"- Sotsman
***
ŨƆ HƆÁS ∩ỆIH
ɹǝpuɐǝɹoʞ pɹɐunoʞ lɹɐʞ:uâɥu ủɥƆ
Dòng chữ này viết trên cửa kính một cửa hiệu nhỏ, nhưng người ta chỉ có thể đọc được như bình thường khi đứng trong căn phòng sáng nhập nhoạng nhìn ra ngoài đường, qua lớp kính.
Hôm ấy vào một buổi sáng tháng Mười một u ám và lạnh lẽo, trời mưa như trút. Nước mưa chảy ròng ròng trên những chữ cái loằng ngoằng. Tất cả những gì người ta có thể thấy được qua cửa kính là một bức tường loang lổ ướt bên kia đường.
Thình lình cánh cửa bị giật mạnh đến nỗi chùm chuông[1] nhỏ bằng đồng thau treo trên cửa bật rung inh ỏi, mãi một lúc mới dứt.
[1] Ở Âu Mỹ, treo chuông nơi cửa ra vào là một trong những cách để người bán hàng trong các cửa hiệu nhỏ biết mỗi khi có khách vào. (Mọi chú thích trong sách là của người dịch - Lê Chu Cầu)
Kẻ gây ra tiếng chuông om sòm này là một thằng nhỏ mập ú độ mười hay mười một tuổi. Mái tóc nâu thẫm bết nước lòa xòa trên mặt nó, nước nhỏ giọt từ chiếc áo măng-tô ướt nhẹp, nó khoác một cái cặp trên vai. Mặt nó hơi tái và nó thở hổn hển, nhưng ngược hẳn với vẻ hối hả vừa mới rồi, nó đứng như trời trồng nơi cánh cửa đang mở ngỏ.
Trước mặt nó là một căn phòng hẹp, dài hun hút ra tuốt phía sau trong ánh sáng mờ mờ. Trên tường gắn kệ tới tận sát trần nhà, chất đầy sách to nhỏ đủ loại. Dưới sàn nhà chất hàng chồng sách khổ to, trên mấy cái bàn là hàng núi sách nhỏ hơn, gáy da, nhìn nghiêng thấy lấp lánh như dát vàng. Sau một bức tường sách cao bằng đầu người sừng sững ở cuối căn phòng có ánh đèn sáng. Trong cái vầng sáng đó thỉnh thoảng lại bay lên một vòng khói, nó tỏa lớn ra rồi tan vào bóng tối trên cao. Trông cứ như những tín hiệu người da đỏ vẫn dùng để truyền tin từ núi này qua núi khác. Hẳn là có người ngồi ở đó và quả vậy, thằng bé nghe một giọng nói khá cộc lốc từ phía sau bức tường sách:
- Xin vào trong này hoặc đứng ngoài kia mà trầm trồ, nhưng hãy khép cửa lại, kẻo gió lùa.
Thằng bé nghe lời, khẽ khép cửa lại. Rồi nó lại gần bức tường sách, thận trọng ngó quanh "góc tường". Ở đó có một ông mập lùn ngồi trên cái ghế bành bằng da cao tới tai đã sờn. Ông mặc bộ đồ đen nhăn nhúm, trông có vẻ sờn cũ và bám bụi. Bụng ông bó trong một cái áo chẽn hoa. Đầu ông hói bóng, trên mỗi bên tai chỉ còn một dúm tóc bạc trắng dựng ngược. Mặt ông đỏ gay khiến người ta liên tưởng tới mặt một con chó dữ. Một cặp kính gọng vàng ngự trên cái mũi trông như củ khoai. Ngoài ra ông còn hút một cái tẩu cong vòng, ngậm bên khóe miệng khiến méo cả mồm. Ông giữ trên đầu gối một quyển sách rõ ràng là đang đọc, vì khi gập sách lại ông để nguyên ngón trỏ to bè của bàn tay trái giữa những trang sách như để làm dấu.
Độc giả có thể tìm mua ấn phẩm tại các nhà sách hoặc tham khảo bản ebook Chuyện Dài Bất Tận PDF của tác giả Michael Ende nếu chưa có điều kiện.
Tất cả sách điện tử, ebook trên website thuviensach.vn đều có bản quyền thuộc về tác giả. Chúng tôi khuyến khích các bạn nếu có điều kiện, khả năng xin hãy mua sách giấy.
Sau khi đọc sách CHUYỆN DÀI BẤT TẬN thì mình cảm thấy sách là:
- Các tác phẩm văn học và truyện tranh dành cho độc giả trẻ em và thiếu nhi. Cung cấp câu chuyện và hình ảnh phù hợp với độ tuổi và sự hiểu biết của trẻ em. Gợi mở sự tưởng tượng và sự tò mò của trẻ em.
- Tập trung vào nghệ thuật viết và diễn đạt, thường đi kèm với sự sáng tạo và độ phong phú trong ngôn từ. Gợi mở sự đánh giá cao về nghệ thuật và văn hóa.
- Cung cấp các tác phẩm văn học ngắn và dài, với độ sâu khác nhau trong cốt truyện và nhân vật. Gợi mở sự thú vị và kỳ vọng trong việc khám phá câu chuyện và nhân vật.
- Giới thiệu và phân tích các tác phẩm văn học, nghệ thuật và triết học kinh điển, góp phần tạo ra sự hiểu biết và trải nghiệm văn hóa sâu sắc cho độc giả.
Nói chung sách hay đó mọi người đọc và cảm nhận nha. Chúc mọi người đọc sách vui vẻ :!!!
Sách (chữ Hán: 冊) là một loạt các tờ giấy có chữ hoặc hình ảnh được viết tay hoặc in ấn, được buộc hoặc dán với nhau về cùng một phía. Mỗi mặt của một tờ trong các tờ này được gọi là một trang sách. Nếu sách chỉ bao gồm thông tin ở dạng điện tử được xem trên một thiết bị có màn hình thì được gọi là sách điện tử hoặc e-book. Sách chứa đựng nhiều giá trị văn hóa tinh thần (các tác phẩm sáng tác hoặc tài liệu biên soạn) thuộc các hình thái ý thức xã hội và nghệ thuật khác nhau, được ghi lại dưới các dạng ngôn ngữ khác nhau (chữ viết, hình ảnh, âm thanh, ký hiệu,...) của các dân tộc khác nhau nhằm để lưu trữ, tích lũy, truyền bá trong xã hội.
Copyright © 2021 Thu Vien Sach VN