Truyện dài của Turgenev, kể về một mối tình thoảng qua giữa một cô gái Nga mới lớn sôi nổi, chưa biết yêu là gì và một anh chàng Nga tại Đức. Mối tình trong vài ngày kết thúc bằng việc cô gái tỏ tình, chàng trai không chắc chắn nên từ chối, khiến anh em cô gái bỏ đi. Chàng trai hối hận tìm kiếm nhưng không bao giờ gặp lại cô gái.***
Ngày ấy tôi mới hăm nhăm, - ông N.N mở đầu câu chuyện như vậy hẳn các bạn cũng thấy, chuyện xảy ra cách đây đã lâu. Thu xếp xong công việc, tôi bỏ ra nước ngoài ngay, nhưng không phải để “du học” như người ta thường nói thời bấy giờ, mà chỉ vì tôi muốn chu du trong thiên hạ, quan sát thế gian của các thánh thần. Tôi còn trẻ, sức lực dồi dào, và trong lòng lúc nào tôi cũng thấy vui: sản nghiệp còn nguyên vẹn và trong đầu chưa kịp gợn một chút lo âu, tóm lại là tôi đã sống những ngày hoàn toàn tự do thoải mái, muốn làm gì thì làm, những tháng năm xuân sắc nhất của con người. Thuở ấy nào tôi có nghĩ được rằng con người ta đâu có phải là thảo mộc, và tuổi xuân không thể nào cứ xanh tươi mãi. Tuổi thanh xuân cứ tiêu đi những chiếc bánh dát vàng nhưng lại tưởng đó chẳng qua cũng chỉ là thứ bánh ăn thường ngày, đã mấy ai nghĩ được rằng sẽ có lúc một mẩu bánh cũng phải ngửa tay xin. Nhưng thôi lý giải làm gì chuyện ấy.
Tôi đi ngao du không hề có chương trình và cũng chẳng nhằm một mục đích gì hết. Thích đâu thì dừng lại đấy để rồi lại bỏ đi ngay, vì tôi luôn luôn cảm thấy một niềm khao khát được thấy những gương mặt mới lạ chính là diện mạo con người. Tôi chỉ lưu tâm quan sát con người, tôi căm ghét những di tích bất hủ đầy vẻ hiếu kỳ, những bộ sưu tập hiếm hoi quý giá, chỉ riêng bộ dạng của người dẫn đường[1] cũng đã gây cho tôi cảm giác buồn bực. Tôi suýt phát điên lên ở “Nhà bảo tàng xanh”[2] tại thành phố Đresđen. Thiên nhiên gây cho tôi những cảm xúc cực kỳ mạnh, nhưng tôi không yêu cái gọi là vẻ đẹp của nó, không yêu những ngọn núi hùng vĩ, những thác ghềnh. Tôi không yêu để nó khỏi ràng buộc, quấy rầy tôi. Thế nhưng con người, những con người sống động: từ lời ăn tiếng nói, dáng điệu cho đến tiếng cười, đó mới chính là cái tôi không thể nào bỏ qua. Ở giữa đám đông bao giờ tôi cũng cảm thấy thanh thản và vô cùng thích thú, tôi vui vẻ đi theo thiên hạ, hò hét theo người ta, nhưng trong lúc đó tôi lại khoái trá đứng xem đám người kia la hét. Tôi rất thích quan sát con người… cũng không phải quan sát mà là nghiên cứu con người với cặp mắt tò mò đầy vẻ háo hức và không biết chán. Nhưng tôi lại nói lạc đề rồi.
Như vậy là cách đây hai mươi năm tôi đã sống trong một thị trấn nhỏ ở Đức, thị trấn Z nằm ở tả ngạn sông Ranh. Tôi đã cố náu mình ở một nơi hẻo lánh và hiu quạnh, một quả phụ vừa gieo cho tôi một vết thương lòng, tôi quen biết bà ta ở nhà nghỉ có suối nước khoáng. Đó là một thiếu phụ rất duyên dáng và thông minh, bà ta tỏ ra kiêu sa với tất cả mọi người nhưng với tôi một con người lầm lẫn thì lúc đầu bà ta thậm chí còn khích lệ tôi, nhưng sau đó lại hắt hủi tôi một cách tàn nhẫn, khi đã thí tôi vì một viên trung úy người Baviê. Thực ra vết thương ấy của tôi cũng không lấy gì làm ghê gớm lắm, nhưng tôi thấy cũng nên có một thời náu mình trong cô đơn và buồn rầu - cái mà tuổi trẻ không say mê! - và thế là tôi đã trú ngụ tại thị trấn Z.
Tôi thích thị trấn này vì cái địa thế của nó ở chân hai quả đồi cao, vì trong thị trấn có những bức tường cũ nát và nhiều ngọn tháp, có những cây bồ đề cổ thụ, có chiếc cầu dốc bắc qua dòng suối chảy ra sông Ranh, nhưng cái chính là ở đây có thứ rượu vang ngon tuyệt trần. Chiều chiều, khi trời vừa tắt nắng (đó là vào khoảng tháng sáu) những cô gái Đức tóc vàng hoe nom thật xinh xắn đi dạo trên các đường phố nhỏ hẹp, mỗi khi gặp người nước ngoài các cô cất tiếng chào: “Guten Abend?”[3] với cái giọng nghe thật dễ thương, - và cho đến lúc vầng trăng đã ló ra sau những mái nhà nóc nhọn trên những căn nhà kiểu cổ, và những viên đá nhỏ trên mặt đường lát đá đã hiện lên rõ mồn một dưới ánh trăng im lìm, vậy mà một số cô vẫn chưa muốn về. Vào những lúc ấy tôi thích đi lang thang trong thành phố. Từ trên khoảng trời trong, vầng trăng dường như đang chăm chú ngó nhìn xuống thành phố: và hình như phố xá cũng cảm thấy rõ cái nhìn ấy nên đã tỏ ra ân cần và nhũn nhặn tắm mình trong ánh trăng - cái ánh sáng mịn màng tĩnh mịch nhưng đồng thời cũng khơi gợi lên trong lòng người một nỗi xốn xang êm dịu. Con gà trống trên cái tháp chuông cao vút kiểu gô-tích sáng óng ánh trong ánh trăng vàng nhàn nhạt, cả những gợn sóng lăn tăn trên mặt con suối đen bóng cũng lấp lánh trôi đi trong ánh trăng vàng, những ngọn nến nhỏ xíu (người Đức vốn tằn tiện!) sáng lờ mờ với cái vẻ khiêm nhường trong các ô cửa sổ hẹp dưới những mái nhà lợp ngói grifen. Những cây nho mọc sau hàng tường dậu xây bằng đá hộc chìa ra những sợi tay leo cong queo nom thật bí ẩn. Bên cái giếng nước cổ xưa, một vật gì lao đi trong bóng tối qua bãi đất hình tam giác, đột nhiên vang lên một hồi còi uể oải của người gác đêm, con chó hiền lành gầm gừ mấy tiếng nửa vời, và khí trời mát dịu cứ mơn man trên da mát, bồ đề tỏa hương thơm ngào ngạt đến nỗi lồng ngực ta bất giác cứ thở hít mãi mỗi lúc một sâu hơn, và tiếng: “Gretkhen”[4] - nửa như ca thán, nửa như nghi vấn cứ thế buột ra khỏi miệng ta.
Thị trấn Z nằm cách sông Ranh hai véctơ. Tôi thường ra ngắm dòng sông hùng vĩ, và ngồi hàng mấy giờ liền trên chiếc ghế đá dưới gốc cây tần bì to lớn đứng trơ trọi trên bờ sông, lòng dạ bồi hồi mơ tưởng tới người quả phụ nham hiểm kia. Dưới tán lá cây tần bì, bức tượng Đức mẹ nhỏ nhắn rầu rĩ nhìn ra với nét mặt nom giống như mặt trẻ con và trái tim đỏ tươi trên lồng ngực bị nhiều nhát gươm đâm thủng. Bờ bên kia là thị trấn L, không to hơn thị trấn tôi đang ở là bao. Một chiều tôi đang ngồi trên chiếc ghế đá yêu thích của tôi và ngắm cảnh: hết nhìn ra lòng sông, lại ngước nhìn lên bầu trời hoặc ngắm những vườn nho. Trước mặt tôi mấy em bé tóc ngắn đang leo trèo trên mạn một con thuyền đã bị kéo lên cạn và nằm phơi cái bụng quét hắc ín lên trời. Những chiếc thuyền nhỏ lững lờ trôi theo những cánh buồm không đầy gió, những làn sóng xanh lướt qua, hơi cồn lên và chạy lao xao bên mạn thuyền. Bỗng nhiên có tiếng nhạc từ xa vọng lại, tôi chăm chú lắng nghe. Bên thành phố L người ta đang chơi một điệu nhạc vanxơ: tiếng côntrơ-baxơ ậm ừ trầm mặc, tiếng viôlông réo rắt mơ hồ, tiếng flutơ nghe lềnh lảng thướt tha.
- Người ta làm gì mà cử nhạc thế, hả cụ? - tôi hỏi ông già mặc áo gi-lê nhung, mang tất xanh và đi đôi giày có khóa sắt, lúc ấy vừa mới đến gần chỗ tôi.
- Đó là cánh sinh viên từ B về dự hội Commerxơ - ông già thong thả chuyển cái tẩu thuốc từ mép này sang mép kia rồi mới trả lời tôi.
“Hay là mình sang ngó thử xem cái hội Commerxơ ấy là cái gì - tôi nhủ thầm, - hơn nữa mình cũng chưa đặt chân lên thị trấn L lần nào”. Tôi tìm người lái đò và sang sông.
Độc giả có thể tìm mua ấn phẩm tại các nhà sách hoặc tham khảo bản ebook Axya PDF của tác giả Ivan Turgenev nếu chưa có điều kiện.
Tất cả sách điện tử, ebook trên website thuviensach.vn đều có bản quyền thuộc về tác giả. Chúng tôi khuyến khích các bạn nếu có điều kiện, khả năng xin hãy mua sách giấy.
Sau khi đọc sách AXYA thì mình cảm thấy sách là:
- Cung cấp các tác phẩm văn học ngắn và dài, với độ sâu khác nhau trong cốt truyện và nhân vật. Gợi mở sự thú vị và kỳ vọng trong việc khám phá câu chuyện và nhân vật.
Nói chung sách hay đó mọi người đọc và cảm nhận nha. Chúc mọi người đọc sách vui vẻ :!!!
Sách (chữ Hán: 冊) là một loạt các tờ giấy có chữ hoặc hình ảnh được viết tay hoặc in ấn, được buộc hoặc dán với nhau về cùng một phía. Mỗi mặt của một tờ trong các tờ này được gọi là một trang sách. Nếu sách chỉ bao gồm thông tin ở dạng điện tử được xem trên một thiết bị có màn hình thì được gọi là sách điện tử hoặc e-book. Sách chứa đựng nhiều giá trị văn hóa tinh thần (các tác phẩm sáng tác hoặc tài liệu biên soạn) thuộc các hình thái ý thức xã hội và nghệ thuật khác nhau, được ghi lại dưới các dạng ngôn ngữ khác nhau (chữ viết, hình ảnh, âm thanh, ký hiệu,...) của các dân tộc khác nhau nhằm để lưu trữ, tích lũy, truyền bá trong xã hội.
Copyright © 2021 Thu Vien Sach VN